Ở Việt Nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, khách đạo Hồi đến từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông ngày càng tăng đã hình thành một thị trường riêng biệt chuyên phục vụ nhóm khách hàng này. Bên cạnh cơ sở vật chất thiết kế một số công năng dành riêng cho khách Hồi giáo như nơi cầu nguyện, khu ăn uống riêng biệt, dịch vụ spa, chứng chỉ Halal (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là được cho phép) về chế biến và phục vụ ẩm thực dành cho người Hồi giáo, các khách sạn cần huấn luyện đào tạo nhân viên những nhận thức và kỹ năng phù hợp.
Những tiêu chí đem lại sự hài lòng cho khách đạo Hồi lưu trú tại khách sạn gồm:
Khu vực đại sảnh:
- Khi làm thủ tục tiếp nhận phòng cho khách nữ thì nên cử nhân viên lễ tân nữ phục vụ. Khách hàng nữ sẽ không giao tiếp với nhân viên nam do quy định của đạo Hồi không cho phép giao tiếp với đàn ông lạ.
- Khi hướng dẫn đường đi hoặc chỉ dẫn thì dùng cả bàn tay, ngón cái úp vào lòng bàn tay. Người theo đạo Hồi quan niệm dùng ngón trỏ để chỉ là một hành động thô lỗ.
- Khi nhận hộ chiếu hoặc đưa các đồ vật thì dùng tay phải hoặc cả hai Khi bắt tay thì tuyệt đối không dùng tay trái.
- Đạo Hồi quy định hành lễ 5 lần mỗi ngày nên khu vực sảnh cần có phòng hành lễ dành cho người theo đạo Hồi. Nếu không có phòng hành lễ thì nên dành một khu vực có sẵn khăn vải sáng màu để khách hành lễ. Khi khách hành lễ thì tránh đi qua trước mặt họ.
- Nhân viên lễ tân và tiền sảnh cần chuẩn bị các thông tin liên quan đến các nhà thờ Hồi giáo trong vùng, các nhà hàng dành cho người Hồi giáo, các nơi mua sắm để sẵn sàng hướng dẫn khách hàng.
Khu vực nhà hàng:
- Cần có khu vực dành cho khách đạo Hồi cách biệt với các nhóm khách hàng khác. Lưu ý, khách nam và khách nữ có thể ngồi ăn riêng.
- Khách Hồi giáo không uống rượu, bia, không ăn thịt lợn, thịt chim, động vật lưỡng cư. Các món ăn từ thịt chủ yếu là thịt bò và thịt gà nhưng khi giết mổ phải được thực hiện bởi người theo đạo Hồi với những nghi thức phù hợp. Thực phẩm Halal dành cho khách Hồi giáo được quy định rõ trong kinh Koran của đạo Hồi gồm sữa (bò, cừu, lạc đà và dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc đông lạnh, các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, ngũ cốc. Những động vật kiêng kỵ gồm lợn, chó, rắn, khỉ, mèo, hổ, gấu và các chế phẩm từ chúng.
- Thực đơn cho khách theo đạo Hồi bữa sáng thường gồm súp mì, súp hải sản, súp gà, bánh bao, sữa tươi, cà phê, nước chè, hoa quả các loại. Bữa chính thường gồm sa-lát rau trộn, dưa chuột ngâm xốt, súp bò với rau, súp mì hải sản, sate cừu, tôm xào lạc, cá bỏ lò, thịt bò viên xốt cà chua, đùi gà nấu dứa, cơm trắng, bánh ga tô nhỏ, mỳ xào, canh củ sen nấu bò băm, canh chua đậu phụ, hoa quả tươi,…
- Vào tháng ăn chay Ramadan, khách Hồi giáo nhịn ăn cả ngày từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn nên hoặc họ ăn tối hoặc ăn vào sáng sớm khi mặt trời chưa mọc. Nhân viên phục vụ nhà hàng cần được đào tạo kiến thức và nghiệp vụ phục vụ khách Hồi giáo để tránh những sai sót đáng tiếc do không hiểu nghi thức Hồi giáo. Tốt nhất, khách sạn nên bố trí nhân viên theo đạo Hồi để giám sát hoặc phục vụ khi có khách đạo Hồi.
Khu vực buồng ngủ:
- Trong ngăn kéo phòng ngủ dành cho khách Hồi giáo nên có cuốn kinh Đây là hành động thể hiện sự trân trọng và quan tâm đến khách hàng đối với người Hồi giáo.
- Minibar không được để đồ uống có cồn.
- Cung cấp áo tắm dành cho phụ nữ Hồi giáo sử dụng tại bể bơi, spa hoặc bãi biển.
- Nhân viên phục vụ phòng cho khách đạo Hồi nên là nhân viên nữ để tránh những vi phạm quy định của đạo Hồi.
- Tivi cần có những kênh truyền hình Hồi giáo để khách hàng cập nhật thông tin
Nguồn: Bùi Xuân Phong - Tác giả sách "Quản trị khách sạn"